10 Vấn Đề Thường Gặp Về Quyền Sở Hữu

Quý vị đã bao giờ tự hỏi vì sao mình cần bảo hiểm quyền sở hữu chưa? Có thể với quý vị căn nhà của mình là mới, nhưng mọi bất động sản đều có lịch sử của nó. Truy cứu kỹ càng quyền sở hữu có thể giúp tìm ra bất kỳ sai sót về quyền sở hữu nào gắn liền với bất động sản của quý vị. Và, tùy theo điều khoản của hợp đồng, dịch vụ bảo hiểm quyền sở hữu của quý vị sẽ bảo vệ quý vị khỏi những vấn đề về quyền sở hữu có thể biết đến sau khi quý vị kết thúc việc giao dịch của mình. Một số vấn đề thường gặp về quyền sở hữu này là:

Tại sao bạn cần có bảo hiểm quyền sở hữu

Hãy xem video này để hiểu bảo hiểm quyền sở hữu sẽ bảo vệ căn nhà của bạn như thế nào.

Xem thư viện video của chúng tôi

Lỗi trong hồ sơ công khai:

Nhân bất thập toàn, nhưng khi lỗi lầm ảnh hưởng đến quyền sở hữu căn nhà của quý vị, những lỗi đó có thể gây hậu quả rất lớn. Lỗi do văn phòng hoặc lỗi trong việc lưu hồ sơ có thể ảnh hưởng đến chứng thư hoặc kết quả đo đạc bất động sản của quý vị và gây ra gánh nặng tài chính để giải quyết chúng.

Các quyền lưu giữ chưa biết:

Những chủ sở hữu trước đây của bất động sản của quý vị có thể không phải là những người nắm giữ sổ sách tỉ mỉ – hay những người thanh toán hóa đơn. Và mặc dù khoản nợ trước đó không phải là của quý vị, nhưng ngân hàng hoặc các công ty tài chính khác vẫn có thể đặt quyền lưu giữ đối với bất động sản của quý vị cho các khoản nợ chưa thanh toán ngay cả sau khi quý vị đã mua xong. Đây là vấn đề đặc biệt đáng lo ngại đối với bất động sản có nguy cơ bị tịch biên.

Những Chứng thư bất hợp pháp:

Dù chuỗi quyền sở hữu đối với bất động sản của quý vị có thể cực kỳ hợp lý, vẫn có thể có trường hợp chứng thư trước đó được thực hiện bởi một người nhập cư không có giấy tờ, trẻ vị thành niên, người có tâm trí không bình thường, hoặc người được báo cáo là độc thân nhưng trên thực tế đã kết hôn. Các trường hợp này có thể tác động đến khả năng thực thi các chứng từ trước đó, làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu trước đó (và có thể là cả quyền sở hữu hiện tại).

Bỏ sót người thừa kế:

Khi một người qua đời, quyền sở hữu căn nhà của người đó có thể thuộc về những người thừa kế của người đó, hoặc những người có tên trong di chúc của người đó. Tuy nhiên, những người thừa kế đó đôi khi bị bỏ sót hoặc không rõ tại thời điểm qua đời. Đôi khi các thành viên trong gia đình tranh cãi về di chúc để có quyền sở hữu bất động sản của riêng mình. Những trường hợp này – có thể xảy ra rất lâu sau khi quý vị đã mua bất động sản – có thể ảnh hưởng đến quyền của quý vị đối với bất động sản.

Giấy tờ giả mạo:

Thật không may, chúng ta không được sống trong một thế giới hoàn toàn trung thực. Đôi khi các tài liệu giả mạo hoặc bịa đặt ảnh hưởng đến quyền sở hữu bất động sản được nộp trong hồ sơ công khai, che giấu quyền sở hữu hợp pháp của bất động sản. Khi các giấy tờ giả mạo này được đưa ra ánh sáng, thì quyền của quý vị đối với căn nhà của mình có thể bị đe dọa.

Những phiền toái chưa được phát hiện:

Khi nói đến việc sở hữu một căn nhà, ba người có thể tạo thành cả đám đông. Tại thời điểm mua, quý vị có thể không biết rằng một bên thứ ba có quyền đòi toàn bộ hoặc một phần bất động sản của quý vị – do một văn tự thế chấp hoặc cầm giữ trước đây, hoặc các quyền đòi hỏi phi tài chính, giống như những hạn chế hoặc giao ước giới hạn quyền sử dụng bất động sản của quý vị.

Quyền địa dịch chưa rõ ràng:

Quý vị có thể sở hữu căn nhà mới của mình và đất đai xung quanh căn nhà, nhưng quyền địa dịch chưa rõ ràng có thể ngăn cấm quý vị sử dụng đất đó như quý vị muốn, hoặc có thể cho phép các cơ quan, doanh nghiệp chính phủ hoặc các bên thứ ba khác tiếp cận toàn bộ hoặc một phần bất động sản của quý vị. Dù thường là các vấn đề phi tài chính, quyền địa dịch vẫn có thể tác động đến quyền hưởng thụ bất động sản của quý vị.

Tranh chấp ranh giới/kết quả đo đạc:

Quý vị có thể đã nhìn thấy nhiều kết quả đo đạc bất động sản của mình trước khi mua, tuy nhiên vẫn có thể còn các kết quả đo đạc khác cho thấy các ranh giới khác nhau. Do đó, hàng xóm hoặc một bên khác có thể đòi quyền sở hữu một phần bất động sản của quý vị.

Di chúc chưa được công khai:

Khi một người sở hữu bất động sản qua đời mà không có di chúc hay người thừa kế rõ ràng, tiểu bang có thể bán tài sản của người đó, bao gồm cả nhà cửa. Khi quý vị mua một căn nhà như vậy, quý vị cho rằng mình có quyền sở hữu. Tuy nhiên, thậm chí nhiều năm sau, di chúc của chủ sở hữu đã chết có thể mới được đưa ra ánh sáng và các quyền của quý vị đối với bất động sản có thể bị hủy hoại nghiêm trọng.

Giả mạo danh nghĩa của chủ sở hữu trước:

Tên thường gặp và giống nhau có thể giúp “mạo danh” chủ sở hữu bất động sản một cách gian trá. Nếu quý vị mua một căn nhà đã từng được bán bởi một chủ sở hữu giả, quý vị có thể có nguy cơ bị mất quyền khiếu nại pháp lý đối với bất động sản.